Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ VI: “Phúc cho người biết xót thương”

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3991 | Cật nhập lần cuối: 11/4/2016 9:21:46 PM | RSS

Hội Ngộ Liên Tôn 2016

Chủ đề: “Phúc cho người biết xót thương”

Nhân kỷ niệm 30 năm Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tổ chức cuộc gặp gỡ giữa đại diện các tôn giáo để cầu nguyện cho hòa bình thế giới tại Assisi (ngày 27/10/1986 - 27/10/2016) và mừng việc tuyên thánh cho Mẹ thánh Teresa Calcutta, một nữ tu nhỏ bé đầy lòng từ tâm biểu lộ lòng thương xót Chúa cho hết mọi người, Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn TGP Sài Gòn đã tổ chức buổi Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ VI tại Trung Tâm Mục vụ Sài Gòn vào lúc 15g ngày 27/10/2016 với chủ đề: “Phúc cho người biết xót thương”.

Đến tham dự cuộc Hội Ngộ Liên Tôn lần này có các vị chức sắc và đại diện của các tôn giáo khác nhau: Cao Đài, Baha’i, Ấn giáo, Muslim, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Tin lành, Minh Lý Thánh Hội … Về phía Giáo Hội Công Giáo có Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc - Tổng giáo phận Sài Gòn, Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám Mục Giáo phận Cần Thơ - đặc trách Đối thoại liên tôn và Đại kết của HĐGMVN, Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng - Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Sài Gòn và Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri - Giám Mục GP Lạng Sơn, Chủ tịch Ủy Ban Mục vụ gia đình của HĐGMVN. Ngoài ra, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn cũng đến thăm và có lời phát biểu với đại diện các tôn giáo trong phần II của chương trình.

Cách đây 30 năm, vào ngày 27/10/1986, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã triệu tập Ngày cầu nguyện liên tôn cho hòa bình lần đầu tiên tại Assisi và mời giới lãnh đạo các tôn giáo lớn trên toàn thế giới cùng tham dự. Thuật ngữ “tinh thần Assisi” đã được dùng để diễn tả sự kiện lịch sử này, khi các nhà lãnh đạo các tôn giáo lớn cùng đáp lời Đức Giáo hoàng, đến Assisi hiệp tâm cầu nguyện cho hòa bình. Các vị Giáo hoàng kế nhiệm đã tiếp tục cách thức đó, và hàng năm đã cùng với các vị lãnh đạo các tôn giáo lớn tụ tập về Assisi để lập lại chọn lựa dấn thân xây dựng hòa bình trên thế giới của các tôn giáo cho đến nay.

Tròn 30 năm “tinh thần Assisi” cũng là dịp kỷ niệm 5 năm ngày Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ I chính là lý do trước tiên của cuộc Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ VI này. Nhưng cũng phải kể đến lý do thứ hai là vào ngày 04/09/2016 vừa qua Mẹ Teresa Calcutta đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên thánh trong Năm thánh Lòng thương xót của Giáo Hội. Mẹ là khuôn mặt chứng nhân tiêu biểu phù hợp với chủ đề của cuộc Hội Ngộ Liên Tôn: “Phúc cho người biết xót thương”. Vì thế sau khi hai MC của chương trình Hội Ngộ Liên Tôn là cha Bình, dòng Phanxicô và chị Ngọc Anh (thành viên của Ban mục vụ đối thoại liên tôn TGP) giới thiệu quý khách mời, thì một chị em cùng dòng với Mẹ Teresa Calcutta là nữ tu Thanh Tịnh - Dòng Thừa Sai Bác ái Chúa Kitô - được mời lên chia sẻ đôi nét về cuộc đời của Mẹ Thánh.

Sau phần chia sẻ của Nữ tu Thanh Tịnh, chương trình cuộc Hội Ngộ Liên Tôn được chính thức bắt đầu. Đức Tổng Giám mục Phaolô đã tiến lên lễ đài long trọng tuyên bố khai mạc, Ngài cũng đánh tiếng trống khai hội và thắp lên ngọn lửa biểu tượng cho niềm tin và lòng nhân ái, ngọn lửa này cháy sáng trong suốt thời gian diễn ra cuộc Hội Ngộ. Sau ba tiếng trống mở đầu của Đức Tổng Giám mục Phaolô, từng hồi trống vang rền ngân nga để lại trong lòng người những cảm xúc thật linh thiêng.

Clip video “30 năm Assisi và 5 lần Hội ngộ Liên tôn” đã được trình chiếu nhằm giúp cho mọi người tham dự có một cái nhìn tổng quát về lịch sử hoạt động Đối thoại Liên tôn của toàn Giáo Hội bắt đầu từ Công Đồng Vatican II. Qua clip, tất cả tham dự viên được biết rằng “Ngày Thế giới cầu nguyện cho hoà bình” dịp kỷ niệm 30 năm “tinh thần Assisi” vừa diễn ra tại Assisi từ 18 đến 20-09-2016 với chủ đề “Khát vọng hoà bình, đối thoại giữa các tôn giáo và các nền văn hoá”. Trong bài suy niệm tại buổi cầu nguyện này, ĐTC nói đến sự khao khát của Thiên Chúa đối với tình yêu của con người và đòi chúng ta đáp lại, thể hiện qua lòng bác ái đối với con người, nhất là những người đau khổ. ĐTC Phanxicô ví cuộc gặp gỡ này như một cuộc hành hương vì hòa bình, nhằm đối thoại giữa các tôn giáo và các nền văn hóa cho Khát vọng hòa bình trê toàn thế giới, đồng thời chống lại những lạm dụng tôn giáo để khủng bố và thi hành bạo lực… Biến cố này đã kết thúc với “Lời kêu gọi hoà bình”. Cùng ký tên vào Lời kêu gọi này có khoảng 500 vị lãnh đạo của các tôn giáo lớn trên thế giới. Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô và các vị lãnh đạo tôn giáo đã trao Lời kêu gọi hoà bình cho các trẻ em đến từ khắp nơi trên thế giới đem về cho quốc gia của mình.

Chương trình cuộc Hội Ngộ Liên Tôn lần VI “Phúc cho người biết xót thương” gồm 2 phần chính: Phần I. “Chứng nhân của Lòng thương xót”, và Phần II. “Lòng từ bi giữa đời thường”. Trong phần Chứng nhân của Lòng thương xót, Ban tổ chức đã mời các tu sĩ thuộc các tôn giáo khác nhau đang làm việc phục vụ người nghèo, gồm Đạo huynh Trần văn Tình thuộc Thánh Thất Lộ Đỏ, đang phục vụ tại Phòng Chẩn Trị Y Học Cổ truyền – Thánh Tòa Vô Vi Huỳnh Quang Sắc, Nữ tu Maria Võ Thị Mỹ Điểm Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, người từng phục vụ bệnh nhân phong tại Trại phong Quy Hòa - Quy Nhơn, và Đạo Tỷ Đại Cư Minh phục vụ tại Phòng Khám Miễn phí Tam Tông Miếu - Minh Lý Thánh Hội, tất cả đều chung tâm thực hành nhân đạo qua việc phục vụ bệnh nhân nghèo. Tại cuộc Tọa đàm này, quý Đạo huynh, đạo tỷ và nữ tu đã chân thành chia sẻ những công việc các vị đang làm, cũng như động lực thúc đẩy thực hiện những công tác này để yêu thương giúp đỡ những người kém may mắn, bị gạt ra ngoài lề xã hội hoặc đang chịu những bất công đau khổ…

Đạo Tỷ Đại Cơ Minh làm việc tại Phòng khám có sự trợ giúp của nhiều y bác sĩ. Các công việc đáng quý này được thực hiện trong sự hợp tác với những người thiện chí không kể tôn giáo, giàu nghèo, vì biết rằng chúng ta tất cả là con một Cha, là anh em với nhau nên cần giúp nhau. Lúc đầu có những khó khăn và không có kinh phí nhưng tin tưởng vào Thiên ý và sau được giúp nên hoạt động mở rộng nhiều hơn.

Tại Thánh Tòa Vô Vi Huỳnh Quang Sắc, Đạo huynh Trần văn Tình và quý đạo huynh luôn hiệp lực, chung một tinh thần, sẵn sàng chịu cực nhọc đi lấy thuốc và luôn nghĩ đến tình thương phục vụ bệnh nhân. Khi giúp chữa trị, điều quan tâm không chỉ là chữa thân bệnh, mà còn chữa tâm bệnh nữa. Công việc làm tốt nên nhiều người bày nhau đến chữa tại đây và đạt kết quả tốt. Số vị lương y phục vụ tại Phòng Chẩn Trị Y Học Cổ truyền Hiền Huệ lên đến hơn 40 vị và cũng có nhiều vị trợ giúp về tài chánh để mua thuốc bắc, kim châm cứu cho bệnh nhân, có khi là các bệnh nhân đã khỏi lại giúp để có thuốc cho những bệnh nhân đến sau…

Còn công việc của chị em nữ tu tại Trại phong Quy Hòa là phục vụ bệnh nhân phong, giúp họ phát triển đời sống và giúp con em của họ, đặc biệt giúp họ về đời sống tâm linh… Chị em gặp gỡ Thiên Chúa qua những người chị em phục vụ, nhiều chị em sẵn sàng ở lại đó suốt đời để chia sẻ đời sống với họ. Việc thờ phượng Thánh Thể chiêm ngắm Chúa Giê-su mỗi ngày giúp chị em có sức mạnh để mở lòng yêu thương những người đau khổ, chính những anh em bệnh nhân tin tưởng chia sẻ cũng giúp chị em đón nhận được sự khích lệ để dấn thân. Nhiều ân nhân cũng sẵn lòng trợ giúp, và có các đoàn từ thiện đến thăm, chia sẻ để đóng góp cho đời sống bệnh nhân tốt hơn.

Vũ khúc “Muối và Ánh Sáng” do nhóm múa Giáo xứ Phanxicô Xaviê trình bày như muốn minh họa cho chủ đề của ngày Hội ngộ liên tôn xuất phát từ bài giảng Trên Núi của Đức Giêsu. Tin Mừng ngài rao giảng được các Kitô hữu thực hành trong suốt 20 thế kỷ qua, đã mang lại cho đời vị mặn của lòng vị tha và ánh sáng của niềm hy vọng. Sau đó quý tham dự viên được mời phát biểu cảm tưởng hoặc chia sẻ kỷ niệm về việc thực thi Lòng thương xót trong đời của mình. Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám Mục GP Cần thơ, đặc trách ban Đối thoại liên tôn và Đại kết của HĐGMVN đã chia sẻ cảm nhận của ngài sau khi nghe chia sẻ của các tôn giáo về kinh nghiệm giúp các bệnh nhân. Ngài thấy đất nước Việt Nam là nơi đa tôn giáo và tín đồ các tôn giáo không vô cảm trước những nỗi đau của anh chị em nhưng đã cố gắng giúp giảm bớt nỗi đau khổ của đồng bào như biểu hiện của lòng thương xót. Bất kể thuộc tôn giáo nào, chúng ta cũng không dửng dưng trước những nỗi niềm của anh chị em nhưng yêu thương nhau vì cùng chung một huyết thống, chung một dân tộc Việt Nam. Dù khác biệt về tôn giáo và niềm tin, nhưng chúng ta cùng chung một giống nòi: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”… Chúng ta biết sống yêu thương nhau và mở lòng cảm thương với những đau khổ của anh chị em chung quanh chúng ta.

Bài Hợp ca “Hướng về tha nhân” của Lm. Thái Nguyên do các anh chị em thuộc Cộng đoàn Lòng Chúa thương xót TGP trình bày mời gọi mọi người hãy biết sống cho mọi người, biết sớt chia tình người và sống yêu thương. Chúng ta được mời gọi “Hãy biết nhìn xuống để thấy bao người dưới mình, hãy biết nhìn xuống để thấy đắng cay phận người, hãy biết nhìn xuống để thấy bao người khốn cùng, cho nhau đời này làm nên kiếp sống mai sau”… Đạo tỷ Hồng Phúc thuộc Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo cũng lên chia sẻ suy tư về cuộc Hội ngộ hôm nay dựa trên tình thương, nơi đó mọi người gặp gỡ nhau và cùng nhau phụng sự nhân sinh. Sau đó Ông Vương Liêm, Ban Quản Trị Đền thờ Ấn giáo Mariamman cũng nói lên cảm nhận về ý nghĩa sâu sắc của các cuộc Hội Ngộ Liên tôn, nơi các tôn giáo được mở ra để gặp gỡ nhau. Trong thực tế cuộc sống tất cả các tôn giáo đều tham gia vào những hoạt động xã hội để chia sẻ cho người cơ nhỡ: nhiều quán cơm từ thiện, trợ giúp về mặt y tế, học bổng cho người nghèo, các hoạt động từ thiện khác…

Tiếp đến, các em Thiếu nhi của Giáo xứ Bình An Thượng đã thể hiện Ca cảnh “Lòng Chúa thương xót” rất cảm động. Khi một con người được yêu thương và biến đổi, được nâng dậy khỏi hoàn cảnh đau khổ của mình thì đến lượt họ lại trở thành người nâng đỡ người khác, đưa họ trở về với đời sống yêu thương hạnh phúc. Trước khi kết thúc phần I, Ban tổ chức đã cám ơn và tặng hoa cho các diễn giả trong cuộc Tọa đàm và các vị đã lên phát biểu. Trong thời gian giải lao, tất cả tham dự viên được mời ra sảnh chung bên cạnh hội trường để xem triển lãm, tại đây cũng có góc thư pháp, góc âm nhạc, nơi ghi cảm tưởng, và tất cả được mời ký tên lưu bút trên 2 mặt hình trái tim nữa. Có lẽ góc thư pháp là nơi đông khách nhất vì nhiều người muốn đến “xin chữ” miễn phí. Tại các bàn cũng có nước uống và thức ăn nhẹ cho mọi người, đây là dịp để tín đồ các tôn giáo có cơ hội giao lưu chào hỏi nhau thật vui vẻ…

Phần II của chương trình có chủ đề là “Lòng Từ Bi Giữa Đời Thường” với những chia sẻ, tâm sự và nhất là phần cầu nguyện chung. Khởi đầu cho phần này, ban tổ chức giải thích ý nghĩa logo của Hội Ngộ Liên Tôn 2016 gồm một trái tim màu vàng nhạt biệu thị cho tấm lòng quảng đại cởi mở, hai bàn tay màu tím và màu xanh lá mạ diễn tả việc tín đồ các tôn giáo cùng nhau chia sẻ tấm bánh là những hoạt động nhân ái phục vụ tha nhân, và bàn tay màu xanh dương phía dưới là tha nhân đang cần sự giúp đỡ. Ca khúc Nỗi niềm Thai nhi của tu sĩ Trần Mừng ofm, do thầy Nguyễn Triều ofm trình bày. Bài hát như tâm sự của một thai nhi mong muốn được cất tiếng khóc chào đời, được làm người và có sự sống dâng trào nhưng ước muốn đó tiếc thay đã bị dập tắt… Lòng nhân đạo cũng được nói lên qua kinh nghiệm của một Phật tử khi làm việc từ thiện, được đọc lên cho mọi người vì chị ngại không muốn xuất hiện. Chị chia sẻ về những chuyện tử tế giữa đời thường, những kỷ niệm đẹp khi phục vụ và sẵn lòng đón tiếp. Những việc thiện nguyện cá nhân dù nhỏ bé và chẳng ai biết đến nhưng đem lại niềm vui và hoa trái là sự bình an và niềm vui sâu xa trong tâm hồn.

Sau đó Nhạc cảnh dân tộc “Người Samaritanô nhân hậu” của nhóm Lễ sinh và Legio Mariae Trẻ Gx. Hàng Sanh lại dẫn mọi người đi vào một bầu khí đậm chất văn hóa dân tộc với câu chuyện Kinh thánh được kể bằng giọng điệu ấm lòng của những bài dân ca quen thuộc với những nhạc cụ dân tộc. Lòng ai cũng thấy cảm động khi người bị nạn được giúp đỡ tận tình sau khi những người nhân danh tôn giáo đã làm ngơ… Tiếp đến cảm nghiệm và chứng từ của Giới trẻ Công giáo khi làm việc thiện nguyện được thể hiện qua chia sẻ của các bạn trẻ, qua clip video và những vũ điệu sôi động cũng cho thấy sự dấn thân quảng đại của người trẻ hôm nay trong những công tác từ thiện khác nhau.

Đức Hồng y Gioan Baotixita chỉ đến tham dự phần II của chương trình, Ngài cũng lên chia sẻ những tâm tình của mình. Theo Ngài, Thiên Chúa là tình yêu, đó cũng là bản chất của con người thể hiện qua lòng từ bi thương xót đến từ Lời của Chúa; là Lời ban ánh sáng chân lý cho trí khôn chúng ta và chiếu tỏa ánh sáng yêu thương cho con tim của chúng ta. Nhờ đó chúng ta biết sống khiêm tốn phục vụ, giúp chúng ta ngày càng trưởng thành quảng đại với tha nhân, mở ra nhịp cầu giúp mọi người đến với nhau. Các tôn giáo có thể góp sức giúp xoa dịu những nỗi đau khổ của anh chị em chung quanh mình bằng cách biểu hiện lòng từ bi thương xót bao dung với mọi người…

Một tiết mục đặc biệt của chương trình là Tốp ca liên tôn với nhạc phẩm “Phúc cho ai có lòng thương xót” – do các ca sĩ Duyên Quỳnh (Phật tử), ca sĩ Thoại Tuấn, Lâm Tín (Cao Đài) và ca sĩ Thanh Trúc, ca sĩ Linh mục Đăng Linh (Công giáo). Lời bài hát khẳng định rằng "không ai là không có gì để trao cho người", và mời gọi mỗi người chúng ta biết thể hiện lòng xót thương với những người chung quanh, biết chân tình tặng nhau nụ cười để người người được an vui... Khi bài hát kết thúc, một lần nữa Ban tổ chức biểu lộ lòng tri ân và tặng hoa cho các ca sĩ và các vị đã phát biểu.

Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ VI: “Phúc cho người biết xót thương”

Phần quan trọng nhất của chương trình chính là những giây phút cầu nguyện cho lòng nhân ái và người bất hạnh. Các vị đại diện các tôn giáo lên dâng lời cầu nguyện gồm có: ông Nguyễn Đình Thỏa đại diện cho tôn giáo Baha’i, Giáo sư Thượng Công Thanh đại diện cho Cao Đài, Đạo trưởng Đại Bác đại diện cho Minh Lý Thánh Hội, ĐĐ Thích Minh Tâm, Tịnh xá Ngọc Hạnh đại diện cho Phật giáo, Ông Trần Cẩm Hiệp đại diện cho Phật giáo Hòa Hảo, Mục sư Trần Thanh Truyện – HT Cơ Đốc Phục Lâm Tin Lành; Bà Grace (giảng viên Xã hội học) đại biểu cho các Kitô hữu ngoại quốc đang làm việc tại Sài Gòn, và cuối cùng là Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri, chủ tịch UBMVGĐ đại diện giới Công giáo. Mỗi vị lên dâng lời cầu nguyện theo niềm tin của mình và sau đó thắp lên một ngọn nến sáng. Giờ cầu nguyện kéo dài khá lâu nhưng cả hội trường hơn 500 người đều thinh lặng hiệp tâm và như chung một nhịp đập của con tim để hướng về Thượng Đế với tất cả nguyện ước chân thành và lòng yêu thương sâu xa.

Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ VI: “Phúc cho người biết xót thương”

Tham dự Hội ngộ liên tôn lần này, gặp gỡ và trò chuyện với các tôn giáo bạn, theo dõi cuộc tọa đàm, lắng nghe các bài chia sẻ… ai ai cũng thấy rằng tí đồ các tôn giáo đều có chung một khát khao là được sống yêu thương và thực thi lòng thương xót cho tha nhân quanh mình, để cuộc sống được tốt đẹp hơn. Tất cả người tham dự cùng hòa nhịp trong tâm nguyện của Kinh Hòa Bình.

Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ VI: “Phúc cho người biết xót thương”

Buổi Hội ngộ Liên Tôn lần thứ VI tại TTMV chiều ngày 27/10/2016 đã khép lại, nhưng tất cả tín đồ tham dự đều được nối kết bằng một ước nguyện chung, một khao khát chung – qua lời cầu nguyện theo niềm tin tôn giáo của mình – niềm ước mong cho thế giới hòa bình, cho người người biết thương yêu nhau để chung tay xây đắp tương lai tốt đẹp… Trái tim của mỗi người được mở ra cho một khung trời tâm linh rộng lớn và khung trời chúng ta đang sống đã có một Trái Tim (lời cảm ơn của linh mục Phanxicô Xaviê Bảo Lộc, Trưởng Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn TGP Sài Gòn, đại diện cho Ban tổ chức ngày gặp gỡ tín đồ các tôn giáo).

Sr. Ngọc Lan, fmm.

-------------------

Video:

Hội ngộ Liên Tôn 2016 - Phúc cho người biết xót thương (trực tuyến)

Hội ngộ Liên Tôn 2016 - P.1

Hội ngộ Liên Tôn 2016 - Phúc cho người biết xót thương (trực tuyến)

Hội ngộ Liên Tôn 2016 - P.2

Hình ảnh Hội ngộ Liên Tôn VI (27.10.2016)

Hội ngộ Liên Tôn VI (27.10.2016)